Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Giúp người nông dân làm giàu từ rác

“Người Nhật mất 20 năm để cải tạo môi trường và đã làm giàu từ rác. Tôi mong muốn góp phần rút ngắn thời gian đó và giúp người dân Việt Nam cũng giàu lên từ rác…”.

Đó là tâm huyết của Luật Sư Phạm Hồng Điệp - Nhà hoạt động bảo vệ môi trường xuất sắc vừa được nhận Giải thưởng Nhân tài Đất việt, lĩnh vực Môi trường.
Thời gian vừa qua, anh Phạm Hồng Điệp là người tiên phong thực hiện dự án có quy mô lớn về việc xử lý chất thải rắn nông thôn (bằng chế phẩm Sagi Bio) trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Dự án qua thời gian một năm đã thực hiện thành công trên quy mô 5 xã tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Theo đó, tất cả các hộ gia đình đã được tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn. Sau đó, các loại rác thải đều được tái chế thành các sản phẩm hữu ích phục vụ lại đời sống nhân dân, ví dụ: các loại rác nilon được tái chế thành hạt nhựa, các loại rác hữu cơ được tái chế thành phân hữu cơ vi sinh. Với phân bón này, người nông dân nhiều nơi dùng để nuôi giun quế, mang lại nguồn thu nhập mỗi năm khoảng 1 triệu đồng/1m2.
Đến nay, dự án đã được triển khai mở rộng tại 33 xã trên địa bàn Hải Phòng. Với ưu điểm dễ thực hiện ngay từ nguồn rác thải tại chỗ và đem lại lợi ích kinh tế thiết thực, dự án do anh Điệp triển khai đạt kết quả rất rõ, giúp giảm hẳn lượng rác thải gây ô môi trường – vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay.
Bộ trưởng Đinh La Thăng và ông Đào Minh Tú trao giải thưởng lĩnh vực Môi trường (Ảnh: Hữu Nghị)
Bộ trưởng Đinh La Thăng và ông Đào Minh Tú trao giải thưởng lĩnh vực Môi trường (Ảnh: Hữu Nghị)
Rác được phân loại sẽ được xử lý riêng, trong đó, rác thải hữu cơ sẽ trở thành phân hữu cơ vi sinh với nhiều khoáng chất, vi chất giúp cho cây trồng tốt hơn trong việc hấp thụ để sinh trưởng, phát triển.  Hơn nữa, sau khi được  xử lý, các chất thải cũng sẽ không còn các độc tính thấm vào đất gây ra ô nhiễm môi trường nước.
“Quá trình phân loại rác tưởng đơn giản mà rất gian nan, bởi thay đổi thói quen của một người đã khó mà đây là thói quen của cả cộng đồng. Trên thực tế việc vận động nhân dân và các cấp chính quyền cùng tham gia bảo vệ môi trường là một vấn đề lớn, mất rất công sức và đã có lúc tôi thất bại” – anh Điệp tâm sự .
Rất quan tâm đến vấn đề môi trường, GS Nguyễn Văn Hiệu đánh giá cao dự án này. “Việc thu gom tái chế, xử lý ô nhiễm môi trường từ hoạt động tái chế túi nilon hết sức cần thiết với tình hình môi trường như hiện nay. Cải tạo môi trường sẽ giúp cải thiện  sức khỏe người dân nông thôn và quan trọng nhất là tận dụng triệt để chất thải rắn làm nguyên liệu tái chế mang lại hiệu quả kinh tế cao và thiết thực cho thu nhập của người nông dân. Cũng từ đây, bà con sẽ thay đổi dần thói quen với nguồn rác thải ngay tại gia đình. Tôi mong muốn, mô hình sẽ được nhận rộng tại nhiều địa phương  chứ không chỉ riêng tại Hải Phòng …” - GS Hiệu nói.
Cùng mong muốn này, anh Điệp bày tỏ có thêm sự hỗ trợ từ các cơ quan chính quyền và các tổ chức kinh tế để mở rộng mô hình đến các địa phương khác, ngoài Hải Phòng. Bởi anh Hồng nhận ra rằng,  rác thải chính là nguồn lợi kinh tế lớn giúp người dân làm giàu. “Người Nhật mất 20 năm để cải tạo môi trường và đã làm giàu từ rác. Tôi cũng mong muốn và đang góp phần để điều đó thành hiện thực tại Việt Nam…”   anh Điệp chia sẻ.
Phạm Thanh

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Gặp chủ nhân 9x của fanpage nổi tiếng ghi lại những câu chuyện về người Hà Nội

“Humans of Hanoi” (HOHN) là một trong những fanpage gây sốt thời gian gần đây khi nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng sử dụng facebook. Và khi đi tìm hiểu về nó, tôi cũng không quá ngạc nhiên khi người lập ra page này là một chàng trai 9x từ bé đã gắn bó với thủ đô.

 

Nếu từng biết đến Humans of NewYork (HONY) - một blog cực kỳ nổi tiếng trên khắp thế giới nhờ những bức ảnh chụp chân dung tại NewYork cùng những đoạn phỏng vấn ngắn hoặc tâm sự của nhân vật trong ảnh. Đây đều là những đoạn phỏng vấn cực kỳ giản dị, ngắn gọn nhưng để lại những cảm xúc sâu sắc trong lòng người đọc. Và bạn nghĩ sao nếu cũng có một trang như thế để lưu giữ những khoảnh khắc và câu chuyện nhỏ xinh về Hà Nội?
“Humans of Hanoi” (HOHN) là một trong những fanpage gây sốt thời gian gần đây khi nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng sử dụng facebook. Mặc dù mới thành lập chưa được một năm nhưng fanpage thu hút hơn 80 nghìn lượt like, không chỉ từ bạn trẻ ở thủ đô mà cả ở nhiều tỉnh thành khác trên mọi miền tổ quốc. Những câu chuyện, bức ảnh được đăng tải trên page là những điều giản dị mà bất cứ ai cũng có thể gặp trong cuộc sống đời thường. Đó là câu chuyện của một cụ già ngồi trầm ngâm bên chiếc ghế đá nhìn ra mặt hồ Gươm phẳng lặng, chuyện của chị lao công đêm đông vẫn miệt mài quét rác, câu chuyện hồn nhiên của những em bé, của bà mẹ đơn thân, của cụ già 30 năm cho cá ăn ở hồ Gươm,... Ngắn gọn, nhưng giàu ý nghĩa, giàu cảm xúc và có giá trị nhân văn, đó chính là giá trị của những câu chuyện được đăng tải hàng ngày trên Humans of Hanoi.
Gặp chủ nhân 9x của fanpage nổi tiếng ghi lại những câu chuyện về người Hà Nội 1
Có lẽ phải yêu Hà Nội lắm, trân quý mảnh đất và con người thân thương ở nơi đây lắm, người ta mới có động lực để duy trì và phát triển page vững mạnh như thế. Và khi đi tìm hiểu về fanpage Humans of Hanoi, tôi cũng không quá ngạc nhiên khi người lập ra page này là một chàng trai 9x từ bé đã gắn bó với thủ đô.
Lấy cảm hứng từ dự án Humans of Newyork gây bão trên toàn thế giới từ cách đây 4 năm, bằng việc tự đi tìm tòi những mẩu chuyện nhỏ nhặt nhất, những điều bình dị nhất, Trần Quang Tuấn đã tâm huyết lên ý tưởng thành lập và duy trì fanpage HOHN. Để hiện tại, đây là một trong những fanpage được người ta nhắc đến nhiều nhất khi nói về câu chuyện và con người Hà Nội.

Profile:
Họ tên: Trần Quang Tuấn
Sinh ngày: 16/12/1990
Cung hoàng đạo: Nhân Mã
Công việc hiện tại: Trưởng dự án “Humans of Hanoi”, thành viên truyền thông cho Z.H Club, Spa, Tour,…
Sở thích: Chụp ảnh, đi du lịch, xem và bóng đá...



Gặp chủ nhân 9x của fanpage nổi tiếng ghi lại những câu chuyện về người Hà Nội 2
Trần Quang Tuấn, trưởng dự án "Humans of Hanoi".
Gặp chủ nhân 9x của fanpage nổi tiếng ghi lại những câu chuyện về người Hà Nội 3
Hà Nội - những câu chuyện nhỏ.
Sinh ra ở Nam Định nhưng lớn lên ở Hà Nội, từ nhỏ chàng trai này đã có một tình cảm gắn bó đặc biệt với mảnh đất Thủ đô. Tuấn được gặp gỡ, chứng kiến rất nhiều câu chuyện nơi đây, và nhiều trong số đó đều để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc đối với anh. Sau khi nghiên cứu về sự phát triển của mạng xã hội, về nhu cầu của người sử dụng Internet và cả những lợi thế, tính năng đặc biệt của mạng xã hội, anh đã quyết định triển khai dự án “HOHN”.
Đó là cả một quá trình vất vả và gặp nhiều khó khăn với Tuấn cũng như với các thành viên khác trong nhóm. Ngày 1/12/2013, Tuấn và sáu bạn khác đã bắt đầu lên ý tưởng, vạch kế hoạch để thực hiện những công việc cần thiết cho duy trì fanpage. Tất cả đều phải tự tay thực hiện từ khâu đề tài, chụp ảnh, tìm hiểu câu chuyện và viết lại thành đoạn. Sau suốt một tháng rưỡi chuẩn bị, cuối cùng ngày 16/1/2014, fanpage “Humans of Hanoi” chính thức chào đời trên Facebook.
Gặp chủ nhân 9x của fanpage nổi tiếng ghi lại những câu chuyện về người Hà Nội 4
- Tôi hỏi con gái bà ấy rằng: 'Tôi có thể đưa bà ấy đi thăm thú Berlin khi cô đi làm được không?'. Và từ đó tôi có cơ hội được làm quen với bà ấy.
- Vậy điều lãng mạn nhất mà ông từng làm cho bà ấy là gì vậy?
- Với tôi việc yêu bà ấy dù bà không nói được tiếng Đức và tôi cũng không nói được tiếng Việt là một điều lãng mạn nhất rồi. Hôm nay cũng là ngày cưới của chúng tôi, chúng tôi mới thay bộ quần áo cô dâu chú rể để mặc và chụp ảnh kỷ niệm.
Gặp chủ nhân 9x của fanpage nổi tiếng ghi lại những câu chuyện về người Hà Nội 5
- Tớ chia tay được 11 tháng rồi cậu ạ.
- Cậu nhớ chính xác từng ngày à?
- Thì chuyện gì càng buồn càng nhớ mà.
Gặp chủ nhân 9x của fanpage nổi tiếng ghi lại những câu chuyện về người Hà Nội 6
- Chú có ước nguyện gì không chú?
- Không! Chú không còn tin vào nó nữa rồi.
- Thế chú có mong muốn gì nhất không ạ?
- Thấy người ta đi lại bình thường chú cũng muốn vậy, cũng muốn có người vợ để về già dựa vào nhau mà sống. Đơn giản thế thôi cháu à!
Gặp chủ nhân 9x của fanpage nổi tiếng ghi lại những câu chuyện về người Hà Nội 7
- Chú vừa chụp ảnh cho mấy đứa rồi đấy, thế bây giờ định đặt tên nhóm là gì?
- Em của ngày hôm qua ạ.
- Đấy có phải tên của nhóm đâu?
- Cơn mưa ngang qua... Hay Tình yêu màu nắng!
- Tình yêu màu nắng đi!
- Vâng tên nhóm là Tình yêu màu nắng đi ạ.
"Hà Nội là một thành phố ồn ào, náo nhiệt, dễ khiến người ta khó chịu vì những tiếng ồn kéo dài gần như cả ngày trên các tuyến phố, hay cuộc sống chật chội đôi khi cũng khiến họ phải phát cáu. Nhưng, có những điều, rất bình dị thôi, nó vẫn tồn tại ở đây hàng ngày, hàng giờ, đến cả hàng thế kỷ mà vẫn không bị mất đi. Ví như: Hà Nội vẫn bình yên mỗi sáng sớm quanh cung đường bờ hồ, mỗi góc phố Cổ vẫn hiên ngang, cầu Long Biên như một chứng nhân lịch sử, những hàng hoa rong rất riêng chỉ có ở Hà Nội,… Tất cả hiện hữu trước mắt chúng ta, mọi người đón nhận nó như một điều hiển nhiên rất bình thường nhưng ít ai lại có thể để ý, góp nhặt những điều bình dị ấy. Chính những sự quá đỗi ư là bình thường đó nó đã làm cho người ta phớt lờ với cuộc sống. Chỉ đến khi xa rồi mới thấy nhớ, thấy thương…" - Quang Tuấn chia sẻ.
Tuy nhiên, sự khởi đầu nào cũng có những gian nan nhất định. Không chỉ khâu chuẩn bị, mà ngay cả khi đã đi vào hoạt động fanpage cũng gặp rất nhiều khó khăn. Rất may, chính sự đoàn kết và đồng thuận của mọi người trong nhóm, “HOHN” mới dần được nhiều người đón nhận và khẳng định được vị trí của mình. Thông điệp của những câu chuyện trên fanpage là nguồn gốc ra đời và cũng là ý nghĩa của trang đối với cộng đồng.
Gặp chủ nhân 9x của fanpage nổi tiếng ghi lại những câu chuyện về người Hà Nội 8
Quang Tuấn và một số thành viên khác trong nhóm.
Những câu chuyện của “HOHN” là những mảnh đời, những điều rất nhỏ đâu đó ở Hà Nội mà chúng ta vẫn chứng kiến rất nhiều nhưng lại vô tình bỏ qua. Chính những hành động nhỏ nhặt ấy lại có tác động mạnh mẽ đến tâm tư, nhận thức của mỗi người trong cuộc sống đầy rẫy những xô bồ, vấp váp. Có thể nói, anh chàng thủ lĩnh trẻ của HOHN là chiếc cầu nối vô hình, là người lưu trữ và lan truyền những câu chuyện giản đơn mà ý nghĩa ấy.
"Thời gian đầu "HOHN" chiếm của mình gần như hoàn toàn thời gian rảnh. Mình gần như không có thời gian để làm công việc chính thức của mình nữa. Nhưng mình vẫn theo đuổi và duy trì page đến cùng. Đôi khi chính bản thân mình cũng tự hỏi, động lực khiến mình đã theo đuổi dự án này. Suốt cả năm trời, mình ngộ ra được 4 điều. Động lực của mình thứ nhất là nhờ được nhiều độc giả đón nhận và ủng hộ, hai là mong muốn con người Hà Nội cũng như con người Việt Nam gần nhau hơn. Thứ ba, mình con trẻ, có đam mê về nhiếp ảnh nên cũng muốn cống hiến một cái gì đó cho cộng đồng. Và cuối cùng là mình yêu Hà Nội." - Quang Tuấn tâm sự.
Những điều tươi đẹp quanh ta rất nhiều, chỉ có điều chúng ta có biết lưu giữ nó hay không. Chỉ cần sống tử tế với chính mình cũng là một cách sống đẹp với những người xung quanh. Khi thấy được mục tiêu, lý tưởng sống chúng ta sẽ không bị lạc phương hướng giữa thế giới có muôn vàn cạm bẫy. Điều đó, cũng giống như việc cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn, chúng ta có thêm niềm tin vào cuộc sống hơn nếu biết tìm ra những giá trị gần gũi, bình dị mà hết sức tươi đẹp. Đó là bài học mà Trần Quang Tuấn - anh chàng thủ lĩnh 9x của dự án "Humans Of Hanoi" đã mang đến cho tất cả chúng ta.

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Nuôi kiến tạo trầm hương kiếm hàng chục tỷ đồng

Nhờ thuần dưỡng và nuôi hàng vạn con kiến để lấy tinh chất tạo trầm hương mà ông Khoan, 61 tuổi ở Đồng Nai, đang nắm trong tay hàng chục tỷ đồng.
Nông dân Trương Thanh Khoan (61 tuổi) ở ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo, nhà đông anh em. Để phụ giúp bố mẹ có gạo nuôi em, ông sớm phải nghỉ học, theo chân người địa phương vào rừng “săn” trầm hương.
kien-2107-1411871379.jpg
Ông Khoan bên các sản phẩm khô mộc trầm có giá hàng chục triệu đồng mỗi cây. Ảnh: MH.
Ông cho biết, tìm trầm là một trong những nghề vất vả, người phu trầm phải băng rừng, lội suối, vào tận chốn thâm sơn cùng cốc và luôn phải đối diện hiểm nguy. Cái chết, bệnh tật… luôn rình rập nhưng nếu trúng trầm hương thì từ khố rách áo ôm cũng sẽ trở thành đại gia, sẽ có cuộc sống vương giả.
Vì nuôi hy vọng đó mà trong suốt thời gian từ 1980-1997, Trương Thanh Khoan đã lặn lội khắp các khu rừng ở Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, thậm chí ra tận các khu rừng ở miền Trung, sang tận Lào để săn trầm.
Ông tâm sự: “Suốt 17 năm ròng rã tìm trầm nhưng thành quả tôi đạt được chỉ là những mảnh gỗ trầm nhỏ, không thể giúp tôi đổi đời. Nghĩ mình không thể chạy theo hy vọng trong sự may rủi nên tôi quyết định về khai mảnh vườn sẵn có để trồng trầm hương".
Năm 2000, ông vào rừng tìm cây dó bầu con (loại cây dùng để cấy tạo trầm hương) mang về trồng và vận dụng những kỹ năng có được để tạo trầm. Là người đầu tiên trong vùng trồng loại cây này để tạo trầm hương nên nhiều người dân cho rằng ông gàn dở. Họ không tin những gì ông làm và luôn cho rằng trầm hương chỉ tích tụ, hình thành trong tự nhiên, con người không thể tự tạo.
Ông Khoan cho biết thêm, khi cây dó lớn, đường kính thân cây từ 10 đến 15cm là lúc ông bắt đầu áp dụng các phương pháp cấy trầm nhân tạo bằng cách bơm chất hóa học vào thân cây nhưng kết quả thu được chỉ là con số không. 
Không chùn bước trước thất bại, ông Khoan lại mày mò, tìm phương pháp mới để tạo trầm.
Ông kể: “Khi bơm các chất hóa học không có kết quả tôi đã chuyển sang dùng hỗn hợp được làm ra từ mật mía, cám ngô, tinh dầu dừa... để kích thích quá trình tạo trầm trong cây. Chế phẩm sinh học này an toàn và có tác động đến sự hình thành trầm trên cây dó bầu nhưng kết quả thu được chưa cao”.
Ông cho biết thêm, một hôm, ông rong ruổi trong vườn thì phát hiện trên thân một cây dó bị kiến đục khoét làm tổ. Các đường vân gỗ quanh tổ kiến có màu dầu đen bóng như trầm hương tự nhiên. Thấy vậy, ông Khoan liền lấy dao, nạo một mảnh nhỏ đem đốt thì mảnh gỗ tỏa mùi hương trầm ngào ngạt. Ông Khoan nảy ý định “thuần dưỡng” kiến để tạo trầm. 
Như chớp được cơ hội, ông Khoan liền chạy về nhà, gói ghém tư trang rồi vào rừng “thu phục” kiến. Sau một tháng rong ruổi, ông Khoan đã đưa về hàng chục tổ kiến để nuôi và bắt đầu tạo trầm theo phương pháp mới.
Ông cho biết: “Kiến tạo ra chất giúp quá trình hình thành trầm trên cây dó nhanh hơn bất cứ phương pháp nào. Vậy nhưng, nếu lạm dụng, nuôi kiến trên cây thì hiệu quả tạo trầm chỉ đạt tỷ lệ khoảng 2-3%”. Ông Khoan bật mí, kiến ăn các loại thực vật và tạo ra chất lỏng có màu giống mật mía. Loại chất lỏng này kết hợp cùng chế phẩm được làm từ mật mía, mật ong, cám ngô, tinh dầu dừa sẽ thúc đẩy quá trình lên men và tạo ra chế phẩm vi sinh.
Khi chế phẩm vi sinh này được bơm vào vết thương trên cây dó khiến cây dó phải tiết ra một loại kháng sinh để bao bọc vết thương, kháng khuẩn và sự “tương tác” này là điều kiện tạo trầm trên cây dó.
Ông Khoan hồ hởi: “Chế phẩm vi sinh của tôi có thể tạo ra trầm loại 3-4 trong khi các chế phẩm hóa học khác chỉ cho kết quả trầm loại 5-6". (Theo xếp loại, trầm loại 1 có màu đen bóng, mùi thơm như trầm tự nhiên, giá trị kinh tế cao. Trầm 5-6 kém chất lượng hơn nên mỗi kg khoảng 2-3 triệu đồng).
Hơn nữa chế phẩm vi sinh của ông còn góp phần rút ngắn thời gian tạo trầm từ 12-18 tháng xuống còn 6-9 tháng mà chất lượng trầm không hề thay đổi. Sau nhiều lần thử nghiệm thành công, ông Khoan đã áp dụng cách tạo trầm trên vào sản xuất 5ha diện tích dó bầu và đạt hiệu quả cao.
th-3710-1411871379.jpg
Chế phẩm vi sinh kích thích cây dó để tạo trầm hương được ông chiết xuất từ tinh chất của kiến kết hợp với tinh dầu dừa, cám ngô, mật mía... Ảnh: MH.
Với khoảng trên 3.000 cây dó đang đến tuổi thu hoạch, ông Khoan đang nắm trong tay tài sản hàng chục tỷ đồng. Ông cho biết, chế phẩm vi sinh giúp quá trình tích tụ trầm trên cây dó nhanh, chất lượng trầm thuộc loại 5 đến loại 3 nên có giá bán bình quân khoảng từ 2-5 triệu đồng một kg.
“Trầm do tôi tạo nên không có hóa chất độc hại nên làm ra đến đâu có người mua đến đấy. Không chỉ thị trường trong nước mà các đối tác ở Thái Lan, Sigapore, Trung Quốc, Nhật Bản… cũng tìm về tận vườn để đặt hàng. Nhiều danh y trong nước cũng tìm đến mua trầm hương về chế thuốc”, ông Khoan cho hay.
Không chỉ bán các sản phẩm trầm hương theo trọng lượng, ông Khoan còn chế tác sản phẩm thành cây cảnh, khô mộc dùng để trưng bày. Theo ông Khoan, dòng sản phẩm này hiện được rất nhiều người ưa chuộng và có giá không hề rẻ. Mỗi khô mộc trưng bày có chiều cao từ 1-1,5m có giá trên dưới 20 triệu đồng.
Những cây có nhiều điểm tích tụ trầm, màu sắc đẹp, thế đẹp thì có giá từ 50 đến 100 triệu đồng. Ông thổ lộ: “Khô mộc trầm có giá trị cao gấp nhiều lần nên tôi thường nghiên cứu cách tạo dáng cho mỗi thân. Hiện tại, tôi đang tạo trầm theo hình dáng rồng cuộn và các thế “độc” khác để tăng cao giá trị cho sản phẩm”.
Để tận thu nguồn nguyên liệu trầm hương, ông Khoan cũng xây dựng lò chưng cất tinh dầu trầm. Đây là tinh dầu được dùng làm dược liệu chữa bệnh và phục vụ công nghiệp mỹ phẩm có giá mỗi lít 5.000- 10.000 USD (khoảng 100-200 triệu đồng một lít).
Ông Khoan cho hay, sau khi đục đẽo, phân loại sản phẩm trầm thì những thớ gỗ dó bầu có trầm kém hơn sẽ được xay nhuyễn rồi cho vào nồi chưng cất. Quá trình này vừa không tốn chi phí sản xuất vừa loại bỏ gỗ dó bầu thừa lại vừa cất được tinh dầu trầm với giá trị cao. Với những thành tựu đã đạt được, ông Khoan đang ấp ủ hy vọng sẽ phổ biến chế phẩm do ông chế tạo để giúp nông dân trồng dó bầu tạo trầm. 
Tháng 6 năm nay, “phương pháp kích thích và chế phẩm vi sinh kích thích cây dó để tạo trầm hương” của nông dân Trương Thanh Khoan đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận bằng độc quyền sáng chế. Năm 2013, “chế phẩm kích thích cây dó để tạo trầm hương” của nông dân Khoan đoạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 (2012 – 2013); Năm 2012, “chế phẩm kích thích cây dó để tạo trầm hương” của ông đoạt giải nhất, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2012; Năm 2014, ông Khoan được Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo (Trung ương Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam) chứng nhận “Danh hiệu cúp vàng sản phẩm tin cậy, nhãn hiệu ưa dùng, dịch vụ hoàn hảo năm 2014”.  
Theo Dân Việt
 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons