Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

Nông dân làm máy phát điện bằng khí biogas

 Tận dụng khí biogas ở trại chăn nuôi lợn để chạy máy phát điện, mỗi năm, ông Nguyễn Văn Dục ở thôn Đoàn Kết, xã Giang Điền thuộc huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã sản xuất và tiêu thụ được hàng chục máy phát điện bán cho các trang trại chăn nuôi.


Máy phát điện chạy bằng khí biogas của ông Dục có giá từ 20-40 triệu đồng/máy, tùy thuộc vào công suất máy từ 5-30 KVA theo đơn đặt hàng của các chủ trại.

Cách đây hơn năm năm, gia đình ông Dục thường xuyên nuôi khoảng 200 con lợn thịt nên phải dùng điện lưới để chạy máy bơm hút nước từ giếng lên để rửa chuồng, tắm cho lợn, chạy quạt máy làm mát cho lợn và điện sinh hoạt trong gia đình với mỗi tháng tốn khoảng ba triệu đồng.

Một lần tình cờ phát hiện thấy một số xe ôtô sử dụng nhiên liệu bằng than, nên ông Dục có ý tưởng dùng khí biogas cho máy nổ để chạy máy phát điện.

Sau một thời gian dài lần mò cải tiến từ việc mua động cơ máy nổ và thiết kế thêm các thiết bị khác như bộ phận phân phối khí; chi tiết đánh lửa; hệ thống tự động ngắt điện khi gặp sự cố; bộ phận giảm âm thanh, giảm khói.

Ông Dục đã thiết kế thành công chiếc máy phát điện chạy bằng khí biogas có công suất 10 KVA. Từ hầm khí biogas loại 100m3 của gia đình với nguồn phân của 200 con lợn thải ra có thể cung cấp khí cho chiếc máy phát điện chạy được từ 15-18 giờ mỗi ngày đủ điện dùng trong sinh hoạt và sản xuất.

Máy phát điện bằng khí biogas

Do đó, đến nay gia đình ông chỉ phải trả từ 500.000 đồng đến một triệu đồng/tháng tiền điện và chỉ sử dụng trong khoảng một năm đã thu hồi vốn. Thuận lợi nhất là vào mùa khô, gia đình luôn có nguồn điện ổn định dùng cho trang trại và không phải lo bị cúp điện, nhờ đó trang trại nuôi lợn của gia đình có lúc lên đến 800 con.

Sau khi nghiên cứu, đưa vào sử dụng thành công, gia đình ông Dục đã mở cơ sở sản xuất máy phát điện. Nhiều trang trại lớn trong và ngoài tỉnh đã đến đặt hàng, trung bình mỗi năm sản xuất khoảng 20 máy có công suất từ 5-30 KVA./.

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

“Hai lúa” Việt chế tạo xe tăng: Người được Campuchia nể phục

Ngụ tại huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) gần biên giới với Vương quốc Campuchia, ông Trần Quốc Hải vẫn thường xuyên được nước bạn mời sang chia sẻ kinh nghiệm chế tạo máy nông nghiệp...

Ông Trần Quốc Hải (SN 1960, ngụ xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) là nhân vật từng gây chú ý với truyền thông trong và ngoài nước vì tài năng đáng nể trong việc chế tạo các thiết bị khoa học - công nghệ.
Trong năm 2015, ông đặc biệt được biết đến rộng rãi khi đã sửa, nâng cấp và chế tạo mới hàng loạt xe tăng cho Vương quốc Campuchia. Đồng thời, ông đã được Quốc vương Campuchia trao tặng huân chương Đại tướng quân - danh hiệu được trao cho những người nước ngoài có đóng góp lớn đối với quốc gia này.
Chia sẻ với PV trong cuộc gặp vào những ngày cận Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, ông Hải cho biết, tính tới hiện tại ông đã nâng cấp (làm to hơn, chuyển từ động cơ xăng sang động cơ dầu với 220 mã lực, chạy nhanh hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn, hỏa lực mạnh hơn) 11 chiếc xe tăng và chế tạo mới 1 chiếc xe tăng cho Campuchia. 
Sau đó, ông cũng đã chuyển giao công nghệ chế tạo xe tăng 6 bánh cho nước này. Với công nghệ có được từ ông Hải, Campuchia hiện đang xây dựng nhà máy sản xuất xe tăng hàng loạt.
“Hai lúa” Việt chế tạo xe tăng: Người được Campuchia nể phục - 1Ông Trần Quốc Hải trông bình dị đúng chất “hai lúa” như cách mọi người thường gọi, nhưng người đàn ông này lại có thể chế tạo xe tăng, máy bay, máy nông nghiệp...
Trước đó, trong một lần được mời sang Campuchia hỗ trợ kỹ thuật sử dụng máy trồng mì do chính ông chế tạo, ông vô tình nhìn thấy nhiều xe bọc thép của nước này bị hư hỏng.
Ông Hải kể: “Bên Campuchia họ thường đẩy xe tăng ra xếp thành một hàng vào ban đêm, còn ban ngày thì cất vào. Tôi thấy lạ vì họ toàn đẩy xe tăng ra vào, thay vì mở máy xe chạy. Tôi có hỏi thì họ bảo xe bị hỏng cả rồi. Họ nói rất nhiều chuyên gia, kỹ sư từ Ukraina, Nga và cả Việt Nam đã sang sửa chữa. Nhưng sửa xong, chạy được vài hôm thì hỏng tiếp, họ lại phải đẩy xe ra vào như cũ”.
Nghe câu trả lời trên, lòng tự hào dân tộc của ông Hải trỗi dậy. Ông quyết định hỏi ý nước bạn về việc để ông sửa chữa những chiếc xe tăng hư hỏng bằng tiền túi của mình. Nếu sửa được thì ông mới nhận lại tiền. Lúc đó, cả Tư lệnh Lữ đoàn 70 và Tổng tư lệnh Quân đội Campuchia đều chưa thật sự tin tưởng ông, nhưng Tổng tư lệnh Quân đội Campuchia nói: “Xe hư thì cũng hư rồi. Sửa được thì tốt, không được cũng là xe hư. Cứ để ông Hải sửa đi”.
“Rõ ràng họ cũng thấy thương vụ này chỉ được chứ không mất gì”, ông Hải vừa cười vừa nói.
Ban đầu, ông Hải cùng con là anh Trần Quốc Thanh và vài người thợ phải mất 1 tháng để sửa, nâng cấp chiếc xe tăng đầu tiên. Sau khi chạy thử và quá thích thú với chiếc xe tăng đã “hồi sinh”, phía Campuchia bàn giao thêm cho ông Hải 10 chiếc xe tăng hư khác.
“Ở Campuchia đầy đủ lắm, thợ cần bao nhiêu cũng có, phụ tùng cũng không thiếu gì. Nhưng mà mình chỉ cần khoảng 10 người thợ, trong đó tôi có đưa vài thợ lành nghề từ Việt Nam sang để vừa làm vừa học hỏi”, ông Hải nhắc lại quá trình sửa xe tăng cho nước bạn.
“Hai lúa” Việt chế tạo xe tăng: Người được Campuchia nể phục - 2Ông Hải cùng con trai chụp ảnh bên chiếc xe tăng tự chế tạo cho Campuchia
Hoàn thành sửa chữa, nâng cấp 11 chiếc xe tăng hư, ông Hải lại ngỏ ý chế tạo mới xe tăng cho Campuchia với kinh phí ban đầu do chính ông tự bỏ ra.
“Chiếc xe tăng tôi chế tạo cho Campuchia đã cách đây khoảng 1 năm, đó là xe tăng 6 bánh. Bây giờ tôi có thể chế tạo cả xe tăng 8 bánh với nhiều thay đổi. Nếu Campuchia muốn mua công nghệ này thì tôi cũng sẽ chuyển giao lại cho họ. Tuy nhiên, trước hết phải đợi họ xây dựng xong nhà máy đã. Suy nghĩ ra cách làm (nghiên cứu kích thước, động cơ,…) thì khó chứ bắt tay vào làm thì dễ lắm, cứ  rập khuôn mà làm thôi!”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, từ sau khi nâng cấp, chế tạo thành công xe tăng cho Campuchia, nhiều lãnh đạo cấp cao của nước này vẫn thường xuyên giữ liên lạc và mời ông sang tham dự các hội nghị, hay chỉ đơn thuần là mời gia đình ông qua du lịch.
“Từ đây tới Campuchia cũng chỉ vài chục km, họ đưa xe qua đón tôi suốt, có khi thì dự hội nghị, có khi thì chỉ đơn giản là mời qua du lịch, nghỉ ngơi thôi. Cách đây 2 ngày tôi cũng vừa từ Campuchia về Việt Nam”, ông Hải chia sẻ.
Hiện ông Hải đang tập trung vào việc sản xuất máy trồng mì. Máy trồng mì này được ông cải tiến theo hướng trồng mì đứng, có thể thay thế cho 400 nhân công. Ngoài ra, ông Hải đang nghiên cứu, chế tạo thêm máy nhổ mì ngay tại xưởng cơ khí của gia đình. Máy trồng mì đứng đã được chạy thử nghiệm trên 67 hecta đất tại Campuchia và 4 hecta đất tại Tây Ninh.
“Giờ mà bạn bè hay ai muốn mượn máy về trồng thì tôi cũng sẵn sàng cho mượn thôi. Máy này cần 3 người điều khiển và có thể thay thế được 400 nhân công”, ông Hải mô tả về sản phẩm của mình.



Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Kỹ sư “hai lúa” chế tạo máy đa năng thu tiền chục tỷ

Chưa hề qua một trường lớp đào tạo bài bản về cơ khí, kỹ thuật nào nhưng với “máu” sáng chế và mong muốn giúp người nông dân đỡ vất vả hơn khi sản xuất, anh Châu đã chế tạo thành công hàng loạt các loại máy móc đa năng tiện ích, hiệu quả.

 

 
Gặp vua sáng chế "hai lúa" của Việt Nam
Làm nhân viên giao hàng để có tiền đầu tư chế tạo máy
Bạn đọc có thắc mắc hay cần tư vấn, chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu, hãy gửi đến cho chúng tôi: kinhdoanh@dantri.com.vn
Anh Nguyễn Hải Châu sinh năm 1969, quê gốc Nghệ An, từng tốt nghiệp ĐH Mở nghành Công nghệ Thông tin nhưng chưa qua một trường lớp đào tạo bài bản về cơ khí, kỹ thuật nào. Với đam mê sáng chế máy móc, anh Châu đã chế tạo thành công hàng loạt các loại máy đa năng tiện ích, hiệu quả cho người nông dân. Hiện, anh là chủ sở hữu của hàng chục các loại máy móc hiện đại như máy băm nghiền đa năng, máy ép cám viên, máy nghiền vỏ dừa… Nhờ "bộ sưu tập" máy móc khổng lồ mà anh Châu được nhiều người ví là “vua sáng chế” hay "kỹ sư hai lúa" của Việt Nam.
Không chỉ “đánh bại” các loại máy móc của Trung Quốc, Nhật Bản tại thị trường trong nước, một số máy móc do anh Châu sáng chế còn được xuất khẩu sang các nước như Lào, Campuchia, Malaysia... Với gần 30 đại lý phân phối trên cả nước, mỗi năm cơ sở của anh Châu sản xuất ra thị trường khoảng 2.000 các loại máy móc phục vụ nông nghiệp, đạt doanh thu cả chục tỷ đồng.


Anh Nguyễn Hải Châu đang kiểm tra một chiếc máy mới sáng chế
Anh Nguyễn Hải Châu đang kiểm tra một chiếc máy mới sáng chế
Tiếp chúng tôi tại xưởng chế tạo của mình, anh Nguyễn Hải Châu kể về ngã rẽ đường đời đến với nghề sáng chế máy khá tình cờ. Năm 2005 khi là cán bộ dự án cho một tổ chức phi chính phủ, anh thường xuyên phải đến các vùng nông thôn để chuyển giao kỹ thuật. Khi ấy các thiết bị sản xuất nông nghiệp rất ít ỏi. Hầu hết đều là máy nhập từ Trung Quốc với các tính năng đơn giản, giá thành cao nhưng cấu tạo thô sơ nên hay gặp sự cố khi vận hành.
Không ít trường hợp, bà con bị máy cuốn vào tay, hay điện giật khi lao động. Thấy thế, anh Châu đề nghị phía dự án cho mình thời gian để sửa chữa, cải tiến những chiếc máy này. Anh thậm chí còn cam kết sẽ sáng chế ra những chiếc máy giá rẻ hơn nhưng vẫn tích hợp nhiều chức năng để sản xuất.
Phía dự án ban đầu nghe rất thích nhưng vẫn còn hoài nghi. Để thực hiện quyết tâm của mình, anh Châu làm đơn xin nghỉ không lương và bắt đầu mày mò chế tạo. Anh lang thang khắp các cửa hàng bán máy nông nghiệp, tìm hiểu quy chế vận hành của các loại máy có trên thị trường. “Có khi tôi mua các loại máy về rồi tháo tanh bành chỉ để tìm ra cơ chế hoạt động và vận hành của nó…”. Thời gian đầu, có nhiều đêm phải thức trắng để học cách vẽ phác thảo các bộ phận, chi tiết rồi tính toán công năng và các thông số kỹ thuật.
Anh Châu nhớ lại: “Sau khi xem xét và nghiên cứu, tôi nhận ra rằng có thể kết hợp nhiều chức năng trong cùng một loại máy để giảm chi phí và tiết kiệm được thời gian sản xuất. Ý tưởng cứ tuôn trào trong đầu, mắc ở đâu thì mình tìm tài liệu rồi đến hỏi các thợ cơ khí hoặc chuyên nghành về lĩnh vực đó…”.
Thời hạn nghỉ việc hết nhưng ý tưởng chế tạo máy lúc đó vẫn còn khá sơ khai anh Châu lại đánh liều làm đơn “xin nghỉ việc”. Để có tiền đầu tư cho việc chế tạo máy, anh xin làm nhân viên tiếp thị rồi giao hàng. Ngày đi làm, tối về lại mày mò, nghiên cứu có khi thức trắng đêm.
“Vua sáng chế” với gần 30 loại máy nông nghiệp
Cứ như thế, ròng rã gần 2 năm trời chiếc máy nông nghiệp băm nghiền đa năng đầu tiên do anh Châu sáng chế cũng ra đời. Máy với ba chức năng: băm nhỏ, nghiền nát và nghiền bột nhưng lại có cấu tạo khá đơn giản, có thể tháo rời từng bộ phận với trọng lượng chỉ khoảng 50kg. Thời điểm đó, đây được coi là chiếc máy gần như “độc nhất vô nhị” trên thị trường bấy giờ.

Để cho ra những sản phẩm sáng chế mới, anh Châu phải mất rất nhiều công sức
Để cho ra những sản phẩm sáng chế mới, anh Châu phải mất rất nhiều công sức
Anh Châu hào hứng cho biết: “Máy có thể vừa nghiền ngô hạt hay ngô quả thành hạt, lại có thể băm cỏ, chuối hay nghiền nát các loại đỗ, gạo, sắn thành bột khô… Trên thị trường khi ấy chưa có máy nào có thể thực hiện được 3 chức năng cùng một lúc, một số máy của Nhật có mặt tại Việt Nam khi đó thì tối đa cũng chỉ có hai chức năng….”.
Chiếc máy nông nghiệp đa chức năng phục vụ hầu hết các công đoạn từ đơn giản đến phức tạp trong sản xuất nông nghiệp thế nhưng lại có giá thành chỉ từ 4 – 6 triệu đồng, tùy theo nhu cầu lắp đặt ít hay nhiều chức năng khác nhau cho máy.
Chế tạo máy thành công nhưng khó khăn là việc đưa máy ra thị trường. Ban đầu, anh Châu mang sản phẩm đến các đại lý “chào hàng” và ký gửi nhưng đến đâu cũng bị từ chối vì nó “quá lạ” lại chưa có thương hiệu. Số tiền bỏ ra ban đầu để đầu tư máy móc đã cạn kiệt, anh Châu lại phải vay mượn thêm bạn bè để đầu tư sản xuất duy trì.
Việc chào hàng không thành công, anh Châu thuê một đội ngũ tiếp thị đèo máy đến từng hộ nông dân giới thiệu. Có ngày, anh lặn lội đi hàng trăm cây số. Một vài gia đình đồng ý dùng thử, sau đó thấy hiệu quả thì bắt đầu đặt mua. Những cuộc điện thoại đầu tiên khiến anh Châu như vỡ òa trong hạnh phúc.
Các phản hồi nhiều dần lên, sản phẩm cũng bắt đầu tiêu thụ được một số tỉnh thành. Anh Châu bắt đầu mò mẫm nghiên cứu xây dựng các kênh bán hàng chuyên nghiệp để quảng bá. Tại các tỉnh thành lớn trên cả nước, anh Châu đều có các đại lý ký gửi, giới thiệu sản phẩm: “Tôi đẩy mạnh việc bán hàng online, mở trang web, đường dây nóng và đội ngũ tiếp thị hùng hậu… nên sản phẩm có sức tiêu thụ tốt hơn hẳn…”.
Không chỉ riêng nhà nông ở Hà Nội, còn có cả nhiều người ở các tỉnh như: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Tây Ninh, Đắk Nông, Gia Lai, Bạc Liêu....cũng đến tận nơi đặt hàng. Để mở rộng thị trường, anh còn thông qua các du học sinh người Lào và Campuchia để xây dựng kênh bán hàng tại các thị trường nước ngoài này. Thấy việc tiêu thụ tốt, nhiều du học sinh đã đầu tư và trở thành đại lý phân phối các sản phẩm máy nông nghiệp của anh Châu.
Hiện tại, ngoài chiếc máy băm nghiền đa năng 3A, anh Nguyễn Hải Châu còn sáng chế và cải tiến được hơn 30 loại máy nông nghiệp với những công dụng và chức năng khác nhau như: máy chế biến thức ăn chăn nuôi, máy băm cỏ, máy làm cám viên, máy nghiền phế phẩm nông nghiệp,  máy xay bột, máy tách hạt... Điều đặc biệt là tất cả từ ý tưởng đến linh kiện và lắp ráp đều do anh Châu xây dựng và trực tiếp điều hành sản xuất.


Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Lão nông ung thư chế máy tự động 'hít hà' khó tin

Ông Nguyễn Đức Mạnh, một nông dân ở xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa vừa sáng chế thành công chiếc máy xúc và hốt rơm đa năng đầu tiên trong cả nước. Khi cánh đồng xã Suối Hiệp đã vãng người sau vụ lúa thu đông, ông và vợ còn cặm cụi cùng chiếc máy gom rơm về. Ai thấy chiếc máy kì lạ cũng dừng xe hỏi chuyện, thích thú, và càng ngạc nhiên hơn khi chủ nhân chế tạo nó để… “lướt qua” căn bệnh ung thư giai đoạn cuối.
Ung thư chưa phải là chấm hết
Qua mùa gặt, cánh đồng như một mái đầu mới cạo, rơm rạ đã được dọn sạch nhờ chiếc máy xúc rơm của ông Mạnh. Những mùa trước, nhiều gia đình gặt lúa xong chẳng buồn bỏ công dọn rơm rạ, hoặc đốt rơm đi để khói tỏa mù trời.
Lão nông, ung thư, tự chế, Nguyễn Mạnh Đức, Khánh Hòa, Lão-nông, ung-thư, tự-chế, Nguyễn-Mạnh-Đức, Khánh-Hòa,
Ông Nguyễn Đức Mạnh trên chiếc máy xúc rơm đa năng.
Trở về sau chuyến đi thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh, ông Mạnh không chỉ mang kết quả khám về mà còn tranh thủ mua 2 động cơ 22 ngựa và 2 hộp số mới để chế máy. Ngồi giữa những linh kiện mới coóng, ông Mạnh nói: “Có người ở thị xã Ninh Hòa, có người ở tận Tây Ninh, Vũng Tàu đặt tui làm. Ban đầu họ nói mua máy của tui, tui nói đây là kỉ niệm, tui không bán, để tui làm cái máy khác bài bản hơn bán cho”.
Ông say sưa giảng giải về máy móc mà bỏ lửng chuyện kết quả khám bệnh thế nào. Chỉ khi tôi hỏi: Duyên cớ nào đưa ông thành “nhà sáng chế chân đất”?, ông mới cởi cái áo đẫm mồ hôi “khoe” vết mổ cách đây một năm. “Hai năm trước đó tui thi thoảng có bị đau đầu, nhưng mình cứ lao động hoài đâu có lo bịnh. Tháng 7 năm ngoái đi khám mới biết ung thư giai đoạn cuối”.
Những ngày khó khăn bắt đầu, căn bệnh ác tính đến cùng bao nhiêu bề bộn, ông phải bán máy móc, thế sổ đỏ, mượn thêm anh chị em để có tiền chữa bệnh. Sau ca mổ, ông nghe mình suy kiệt, người còn 38kg với da bọc xương. Mỗi lần nhìn vào gương là một lần ông đối diện với gương mặt hốc hác, đôi mắt thụp sâu tuyệt vọng.
Khi cơn nguy kịch qua đi, ngôi nhà trống trải bởi tài sản đã bán hết, ông chẳng nghĩ được gì ngoài cái chết đang ập tới. Thời gian làm nguôi ngoai, ông trấn tĩnh lại, những đợt hóa trị đều đặn hàng tháng là hi vọng níu ông lại đời thường.
Ông Mạnh kể lại những bi kịch ấy bằng giọng cà tửng của một người vốn vui tính. Để lấy lại niềm lạc quan ấy, ông đã xem trên báo, đài những người cùng hoàn cảnh vẫn chiến thắng bệnh tật và đóng góp cho xã hội. Để rồi ông đúc kết: “Bị ung thư chưa phải là chấm hết. Và còn sống là còn lao động. Mình phải kiếm cái gì làm chớ, không lẽ cứ ngồi không như vầy hoài?”.
Đam mê sáng chế giúp “khỏe người ra”
Khánh kiệt vì bệnh tật, điều đầu tiên ông nghĩ là “làm cái gì đó đơn giản, cơm áo gạo tiền mà”. Trước đây, vợ chồng ông từng có thu nhập khá nhờ nấm rơm, rơm rạ lại ngổn ngang trên đồng sau mùa gặt do bà con không thu dọn. Ông bàn với vợ “kế” này nhưng lại nhanh tiu nghỉu vì “người ta khỏe mạnh còn không gom rơm nổi, mình đau yếu biết tính sao giờ?”. Nhưng ông Mạnh nghĩ: “Một cái máy có thể làm được việc này”. Tháng 1.2015, chiếc máy xúc rơm bắt đầu được ông ấp ủ.
Chỉ vào những vết hàn trên chiếc máy, ông Mạnh cười hì hì: “Hồi đó không có tiền, tui vô tiệm phế liệu mua sắt vụn về hàn cho tiết kiệm, ống thủy lực tui cũng mua cũ, rồi cái máy 8 ngựa này mua có 300 nghìn thôi”. Sau khâu gom rơm, ông Mạnh làm thêm hệ thống cầu cẩu để xúc lên xe, chỉ cần 2 người để sử dụng chiếc máy này.
Theo ông Mạnh, năng suất của máy bằng khoảng 30 công lao động nếu làm việc 8 giờ mỗi ngày. “Cứ đưa máy ra đồng là có người đi đường dừng xe lại thích thú quan sát rồi mắt chữ A, mồm chữ O, kêu “Woah” nên tôi đặt nó là “Woah” luôn”, ông Mạnh hóm hỉnh về cái tên ngộ nghĩnh ông đặt cho “đứa con” của mình.
Lão nông, ung thư, tự chế, Nguyễn Mạnh Đức, Khánh Hòa, Lão-nông, ung-thư, tự-chế, Nguyễn-Mạnh-Đức, Khánh-Hòa,
Chiếc máy xúc rơm đa năng của ông Mạnh.

Tiếng lành đồn xa, cách đây 3 tháng, chủ một xưởng phế liệu đến nhà nhờ ông giúp làm máy ép phế liệu. “Giả dụ một 1 xe phế liệu vận chuyển vào Sài Gòn mất 7 triệu đồng, chưa ép thì phải chở 4 chuyến, tui làm cái máy ép thành cái bánh, ép xong chỉ cần chở một chuyến”, ông giảng giải. Khi chiếc máy hoạt động, chủ xưởng phế liệu “hít hà” phục lăn. “Thế là tui đặt tên Hít Hà luôn”, ông Mạnh lý giải một cái tên ngộ nghĩnh nữa. Sau khi tiết kiệm chi phí khâu tiêu thụ, chủ xưởng phế liệu này đang đề nghị ông làm máy ép cơ động để giảm chi phí ở khâu thu mua.
Sau khi kể về những đứa con tinh thần và niềm vui “sinh” ra, đặt tên cho chúng, ông Mạnh nói: “Chế tạo mấy cái này giúp tui khỏe người ra, tìm được niềm vui trong cuộc sống. Cứ ngồi quần qua quần lại nghĩ đến chuyện đau của mình thì buồn lắm”. Không phải bỗng dưng, một nhà sáng chế chân đất từ “trên trời rơi xuống”. Ông Mạnh kể, thời trẻ trai ông phải xoay sở nhiều nghề kiếm sống, nhưng cứ nơi nào có máy móc là ông mày mò tìm hiểu. “Thời còn bao cấp tôi từng chế tạo được máy dệt vải. Có một thời gian tui lái máy cày, máy thường hư nhông sên, mua một cái là một chỉ hai vàng, tui sửa có 20 ngàn à, nói thiệt, thành nhà sáng chế cũng do mình không có tiền”, ông cười sảng khoái, tự trào.
Sống cho mình, giúp ích cho cộng đồng
“Cái gì cũng quay về cơm áo gạo tiền”, ông Mạnh nói kiểu nông dân thuần phát. Kể về kế hoạch làm ăn trong tháng tới, ông nhẩm tính: “Một tấn rơm cho ít nhất 100kg nấm, 1kg nấm giá ít nhất 30 nghìn đồng, chỉ cần 10 tấn rơm là kiếm ít nhất 3 triệu tháng. Vợ chồng tui đau yếu mà chỉ cần 2 ngày là gom được 10 tấn rơm. Làm nấm xong, tui lấy rơm bón cho bạc hà, bán rau lại có thêm khoản thu nhập nữa”. Theo ông Mạnh, công dụng từ rơm rất nhiều, ai cũng làm được, thu nhập lại cao mà không gây ô nhiễm môi trường.
Ông thổ lộ: “Tui không giữ khư khư cái máy này cho mình, cái gì có ích cho bản thân, cho xã hội thì làm”. Khoe 2 đứa con đang học nghề điện và điều dưỡng, ông có chút ngậm ngùi bảo lớp trẻ bây giờ ly nông hết, để trên đồng toàn phụ nữ với người già. Và như để cụ thể hóa ước muốn sống “có ích cho xã hội” như đã nói, ông dự tính chế tạo một chiếc máy xúc rơm đa năng thấp và dễ sử dụng hơn để phụ nữ và người lớn tuổi có thể sử dụng.
Lại nói về những đơn đặt hàng chưa thực hiện, ông cho biết: “Tui làm cho mình bằng sắt phế liệu, làm cho người ta thì phải làm sắt chính phẩm đàng hoàng. Máy của tui cẩu chỉ cao 4,5m, có một ông chủ buôn rơm đặt tui làm cái máy giá chỉ dưới 100 triệu, nhưng tui phải nâng cần cẩu lên 6m để chất rơm lên xe lớn. Tui muốn sản xuất nhiều máy hơn nhưng mà không có vốn, trông có ai đó cho mình vay, mượn, giấy tờ đàng hoàng”, ông kể về những dự định bằng giọng lạc quan và nhịp điệu gấp gáp.
Ông tâm sự: “Tui lao vào cuộc sống tìm niềm vui để lướt qua cơn bệnh. Xem TV có chị kia bị ung thư mà sống được 12 năm. Tui không mong được nhiêu đó nhưng ước gì được càng dài càng tốt”.
Thay ấm trà giúp chồng mời khách, vợ ông Mạnh chỉ về chiếc máy ở góc vườn do ông Mạnh sáng chế. “Chiếc máy làm đất trồng rau đó chồng tôi làm để giúp tôi nhẹ bớt việc”, bà khoe và nở nụ cười mãn nguyện. Ông bảo, đó là sáng chế quan trọng nhất đời mình.
(Theo Lao Động)



Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Cô học trò lớp 9 sáng chế nhang trừ muỗi từ bã trà

Bị muỗi cắn trong lúc học bài, cô học trò lớp 9 đã sáng tạo ra nhang trừ muỗi hoàn toàn bằng vật liệu “cây nhà lá vườn” và đoạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo.


Lý Bình Nhi và sản phẩm trà trừ muỗi bằng chất liệu “cây nhà lá vườn” - Ảnh: Phan Thanh CườngLý Bình Nhi và sản phẩm trà trừ muỗi bằng chất liệu “cây nhà lá vườn” - Ảnh: Phan Thanh Cường
Cô học trò ấy là Lý Bình Nhi (ngụ phường 3, TP Bạc Liêu), học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu (nay là học sinh lớp 10 chuyên hóa Trường THPT chuyên Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).

Khi làm sản phẩm nhang trừ muỗi đoạt giải thì Nhi mới 15 tuổi. Sản phẩm “Trà trừ muỗi” của bạn vừa đoạt giải nhì Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bạc Liêu năm 2014 - 2015 (không có giải nhất) và giải khuyến khích Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc.

Khoảng tháng 8 năm ngoái, trong lúc học bài ở nhà thì nhang trừ muỗi mua ở chợ cháy hết, Nhi bị muỗi cắn khá nhiều. Nhìn bên cạnh thấy có bã trà, vốn từ lâu đã nghe dân gian nói khói từ bã trà có tác dụng đuổi muỗi, Nhi lấy đốt thử và đúng là muỗi sợ bay đi. Thế là ý tưởng làm nhang trừ muỗi bằng bã trà lóe lên trong suy nghĩ cô học trò chuyên hóa này.

Hôm sau đi học Nhi thảo luận ngay với bạn học Lâm Vũ Phương rồi cả hai xin ý kiến thầy giáo dạy hóa và cũng là thầy chủ nhiệm, được thầy ủng hộ.

Thế là cả hai bắt tay... lên mạng xem những chất liệu dân gian nào có thể đuổi muỗi thì được biết ngoài bã trà còn có vỏ quýt, bưởi. Có được những ý tưởng này, cả hai đi khắp nơi thu gom vỏ quýt, bưởi và bã trà rồi phơi khô, nghiền nhỏ nhưng không biết làm sao để kết dính.

Suy tới nghĩ lui, Nhi nấu thử bột nếp rồi trộn lại thì không ngờ những chất liệu này kết dính thành thỏi rất đẹp. Nhi mang tới lớp đưa sản phẩm cho bạn và đưa cho hàng xóm dùng thử kèm phiếu khảo sát để xem thế nào thì bất ngờ nhận được kết quả tốt, thậm chí có người còn... hỏi mua về dùng vì khi đốt nhang này thì muỗi trốn mất tiêu, khói có mùi thảo mộc rất dễ chịu.

Vì vậy, Nhi tự tin gửi sản phẩm này đi thi cấp trường rồi cấp tỉnh, được hội đồng chuyên môn của tỉnh chấm đoạt giải và gửi thi toàn quốc.

Chia sẻ về kết quả này, cả Bình Nhi và Vũ Phương đều mong muốn: “Nếu có người mua bản quyền hay đầu tư để sản phẩm được ra thị trường thì tụi em sẵn sàng hợp tác, đây là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, không lo ngại vấn đề sức khỏe và ngộ độc khói vì không hề dùng hóa chất. Tuy nhiên tụi em chưa hài lòng về mẫu mã hộp nhang muỗi và muốn làm sao cho bắt mắt hơn nữa”.

Ông Phan Duy Tuyên, chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu, nhận xét sản phẩm trà trừ muỗi của Bình Nhi và Vũ Phương có tính khả thi cao, đúng các nguyên tắc khoa học nên hội đồng khoa học của tỉnh mới chấm giải nhì (cuộc thi không có giải nhất).

“Ý tưởng của các cháu rất hay, vừa bảo vệ môi trường, vừa mang tính thực tế cao, chất liệu cũng dễ tìm. Nhưng để được đưa vào sản xuất mang tính đại chúng thì cần có người tâm huyết kết hợp làm” - ông Tuyên nói.

Theo ông Tuyên, thực tế tại tỉnh cũng có học sinh sáng tạo sản phẩm thuốc diệt trừ con ve (thường sống bám trên mình các loài chó, mèo...) và đã được doanh nghiệp mua ý tưởng này.


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons